Quay lại
Tiếp theo

Thứ tư, 08/12/2021 | 04:23 GMT+7


Trường Đại học Đông Đô và những bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong QLGD đại học

Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Giáo dục, trong đó có Trường Đại học Đông Đô xác định sứ mệnh tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số (CĐS) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức. CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Ngành Giáo dục không nằm ngoài sự tác động đó. Trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 đã xác định giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Diễn đàn "Chuyển đổi số trong giáo dục đại học"

CĐS cho phép giáo dục được thực hiện toàn diện và đầy đủ mà không có gặp mặt, giao tiếp trực tiếp, có nghĩa là phương thức chuyển tải thay đổi từ trực tiếp sang từ xa, đòi hỏi thay đổi ở nhiều khía cạnh. CĐS trong giáo dục – đào tạo tập trung vào hai nội dung là CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và CĐS trong quản lý giáo dục (QLGD).

Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa các học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university). CĐS không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của người học cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường.


Trường Đại học Đông Đô triển khai các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá, NCKH trên nền tảng số

Trong QLGD bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ số để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác.

Trong quản lý đầu ra, cần sử dụng những công nghệ mới nhất để hỗ trợ bảo đảm việc đào tạo, đánh giá, kiểm tra,công nhận kết quả và cấp bằng, chứng chỉ là đúng đối tượng. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính.

CĐS kéo các thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi cơ cấu tổ chức bên trong, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi các mối quan hệ, quy trình xử lý thông tin, ra quyết định và giải quyết công việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, cũng như thay đổi việc quản trị các nguồn lực trong cơ sở GDĐH.

CĐS trong GDĐH là quá trình lâu dài và bền bỉ, cần sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân, tập thể. Hiểu được điều đó, Trường Đại học Đông Đô đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc xúc tiến CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và CĐS trong quản lý giáo dục (QLGD) thông qua việc mở các lớp hướng dẫn từ căn bản đến nâng cao cho CBGV & sinh viên, học viên trong trường.


Một buổi đào tạo về CĐS được tổ chức cho CBGV Nhà trường